“Sự tích” quả táo cắn dở và sự thay đổi thế giới của Apple
17/08/2015 06:32 PM
Quả táo mà Adam và Eva ăn trong vườn địa đàng, quả táo rơi trúng đầu nhà bác học Newton và và bảy chú lùn liệu có liên quan như thế nào quả táo cắn dở của hãng Apple không?
Điểm chung nhất trong các sự kiện “quả táo” này có lẽ đó là sự thay đổi của thế giới. Adam và Ava ăn trái cấm trong vườn địa đàng là câu chuyện mang màu sắc tôn giáo và cũng là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử nhân loại. Nhiều người vẫn tin rằng, nhờ quả táo rơi trúng đầu mà Newton phát minh ra định luật hấp dẫn. Còn Apple, với logo hình quả táo cắn dở không chỉ tạo nên một cơn sốt về sản phẩm công nghệ, mà còn làm thay đổi cả cách thức sử dụng điện thoại, máy tính của nhân loại.
Giờ đây, cái tên Steve Jobs đã quá đỗi quen thuộc với dân công nghệ. Những ý tưởng có phần kỳ quặc, thậm chí có người cho là hơi quái dị của Job đã đưa Apple trở thành một trong những tên tuổi nổi bật nhất thung lũng Silicon của Mỹ.
Với sự ra đời của iPhone, người dùng từ chỗ sử dụng bàn phím nhỏ xíu, khó chịu trên điện thoại đã chuyển hẳn sang một siêu phẩm công nghệ với các tác vụ chạm, vuốt, thả. Ngay sau đó, các tên tuổi khác trong làng phần cứng di động ngay lập tức đã “ăn theo” công nghệ này. Thậm chí, sản phẩm của Apple đã tạo ra một trào lưu hàng nhái từ Trung Quốc.
Tiếp sau iPhone, Apple tung ra máy tính bảng iPad. Một sản phẩm được đánh giá là phát minh dẫn đầu trong số 50 phát minh năm 2010. iPad đã tạo tiếng vang lớn khi chỉ sau 28 ngày, hơn 1 triệu chiếc máy tính bảng này đã được tiêu thụ. Ông trùm truyền thông Rupert Murdoch khẳng định thiết bị này sẽ thay đổi đời sống truyền thông thế giới. Cũng giống như iPhone, ngay sau khi ra đời, hàng loạt các hãng máy tính lần lượt cho ra đời các thế hệ máy tính bảng tiếp theo trên cơ sở “nguyên mẫu” của Apple.
Ít ai biết rằng, chiếc logo ban đầu của Apple một mối liên hệ với câu chuyện quả táo của Newton. Ron Wayne – người cộng tác với Apple từ buổi đầu đã vẽ theo phong cách bút sắt bức hình của nhà khoa học Isaac Newton đang ngồi dưới cây táo, cùng với một đoạn thơ trên đường viền xung quanh bức tranh.
Steve Jobs đã không hài lòng với logo này và khi chuẩn bị cho việc ra đời chiếc máy tính màn hình màu đầu tiên, ông đã tìm nhà thiết kế với một yêu cầu hết sức đơn giản: “Đừng làm cho nó trông dễ thương”.
Và logo hình qủa táo cắn mất góc ra đời năm 1977. Rob Janoff, tác giả của logo này lại khẳng định rằng miếng cắn trên logo – nét đặc trưng nhất của Quả táo chỉ đơn giản là một điểm nhấn về nhận dạng. Ông cho biết, logo Apple khi thu nhỏ lại hay nhìn từ đằng xa, sẽ trông giống với trái cherry hơn là trái táo nếu như không có miếng cắn ở bên hông.
“Chúng tôi đã giới thiệu 2 phương án. Một có và một không có miếng cắn, để phòng hờ trong trường hợp phương án có miếng cắn trông “quá dễ thương” trong mắt của Steve. May mắn thay, Steve đã lựa chọn phương án quả táo có miếng cắn vì nó trông cá tính hơn. Thành thực mà nói, phương án quả táo sẽ không dễ được thông qua nếu không có thêm nhiều phương án thiết kế xoay quanh nó. Chúng tôi đã cho ông ta xem nhiều biến thể khác nhau của quả táo, bao gồm: quả táo nhiều sọc màu, quả táo một màu, quả táo giả kim loại. Tất cả đều cùng chung một hình dáng”, Rob nói.
Theo Rob, Steve Jobs thích ý tưởng logo này, vì ông luôn thích những gì được nghĩ khác đi. Khi phương án logo quả táo cắn dở có sọc màu được đề trình, một quản lý cấp cao của nhà thiết kệ phản đối, bởi ông ta cho rằng, nếu phương án này được thông qua, việc in ấn sẽ làm công ty Apple bị phá sản trước cả khi nó chính thức đi vào hoạt động. Tuy nhiên, Jobs đã chọn phương án sọc màu để gắn lên chiếc máy tính của mình.
Cũng có ý kiến cho rằng, Jobs chọn quả táo có miếng cắn vì ông muốn nhấn mạnh, không có một sản phẩm nào hoàn hảo, và apple muốn đổi mới không ngừng để tiệm cận tới sự hoàn hảo. Và thực tế đã chứng mình điều đó, các dòng sản phẩm như iMac, iPod, iPhone, iPad… dường như không có đối thủ cả về sự vượt trội công nghệ cũng như doanh số bán ra.
Đây có lẽ là lý do mà 33 năm trôi qua, quả táo bị cắn góc của Apple vẫn không thay đổi, mặc dù nó có thể được cách điệu bằng màu sắc, thêm một vài họa tiết, hoặc được cân chỉnh để hợp lý hơn về tính đối xứng hình học. Có lẽ, các phiên bản sau nữa, Apple vẫn sẽ giữ nguyên hình dạng của quả táo này.
Jean Louis Gasseé, đốc điều hành của Apple, từ 1981 – 1990 đã nói rằng logo quả táo mất góc chính là một trong những bí mật lớn nhất của Apple. Đây là biểu tượng hoàn hảo cho lòng ham muốn và sự hiểu biết, với một góc khuyết và được phủ đầy các dải màu cầu vồng, sắp xếp theo một trật tự ngẫu nhiên.
Rob Janoff, tác giả logo của Apple nói rằng ông không hề biết gì về công nghệ. Mãi sau này, khi được đồng nghiệp phân tích, ông mới nhận ra rằng, “miếng cắn” (bite) có cách phát âm giống với “byte” (8 bit) – một đơn vị đo lường trong lĩnh vực tin học. (Theo NĐT)